Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội

1.1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên

Phường Đông Kinh là một trong năm phường thuộc thành phố Lạng Sơn, phía Bắc giáp phường Vĩnh Trại, phía Tây giáp phường Chi Lăng, phía Đông và phía Nam giáp xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), xã Hợp Thành (huyện Cao Lộc).

Phường nằm ở phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn, ở vị trí từ 21°50′39″B (Vĩ Bắc) đến 106°45′37″Đ (kinh Đông); cách Thủ đô Hà Nội khoảng 154km, cách cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị khoảng 17 km và cách 5 cặp chợ đường biên Việt - Trung thuộc huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng từ 25 đến 30km.

Tổng diện tích của phường là 222 km2. Phường Đông Kinh nằm trên một bồn địa bằng, có đồi rừng núi bao quanh từ nền đá cổ, được kiến tạo cách đây khoảng 280 triệu năm với nhiều tầng lớp đất khác nhau như: tầng đá vôi tinh khiết màu xám sáng, xám xanh; tầng đá vôi không thuần khiết; tầng cát kết màu vàng…

Phường Đông Kinh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt độ trung bình năm là 210 C, nhiệt độ cao nhất trong năm là 390C, thấp nhất là 40C, độ ẩm trung bình là 80%. Lượng mưa bình quân là 1439 mm/năm, phân bố không đều trong năm. Độ ẩm trên địa bàn phường thường khá cao; mùa Đông, sương muối thường xuất hiện và có độ đậm đặc hơn các phường khác trong thành phố. Nằm trong thành phố địa đầu phía Bắc của Tổ quốc - một thung lũng lòng chảo hút gió mùa Đông Bắc, phường Đông Kinh cũng trở thành một trong những nơi rét nhất trong cả nước.

Quốc lộ 1A, 4B và đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng chạy qua địa bàn phường. Sông Kỳ Cùng chảy quanh 2/3 chu vi thành phố, trong đó, chảy bao quanh khoảng ½ chu vi phường Đông Kinh.

Tài nguyên đất phường Đông Kinh được hình thành từ hai nguồn gốc: 1) Đất thủy thành gồm các nhóm đất phù sa sông suối, chủ yếu là bên bờ sông Kỳ Cùng và một số đất dốc tụ thành ven các đồi đất thấp xung quanh xen lẫn giữa các thung lũng nhỏ. 2) Đất địa gồm 2 nhóm: Đất Feralit đồi núi cao (300 - 700m) và đất Feralit điển hình nhiệt đới (25 - 300m). Các loại đất trên địa bàn phường rất thích hợp cho việc trồng cây lương thực, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, lâm nghiệp. Trên địa bàn phường còn có một số loại vật liệu xây dựng: đất sét, cát cuội, phục vụ việc sản xuất xi măng, làm gạch ngói, góp phần đáp ứng nhu cầu xây dựng của thành phố.

Tài nguyên nước của phường gồm nước mặt và nước ngầm. Nước mặt chủ yếu được khai thác từ các sông suối, ao hồ. Sông Kỳ Cùng là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn phường, hầu hết các hộ dân được dùng nước máy, một số ít hộ dân sử dụng giếng đào và giếng khoan cá nhân.

Đặc điểm tự nhiên nêu trên tạo điều kiện cho phường Đông Kinh phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, rau ôn đới và cây công nghiệp…

Bên cạnh những thuận lợi, điều kiện tự nhiên cũng gây một số khó khăn cho sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Thời gian chuyển mùa và khi thời tiết biến động mạnh, mưa, giông, lốc, gió mùa Đông Bắc, sương muối, khô hạn, mưa lũ có thể gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Qua quá trình hình thành và phát triển, đến năm 1999, tổng dân số của phường  là 14.170.người, mật độ dân số đạt 6383 người/km². Năm 2018, phường có 3.309 hộ dân với 13.471 nhân khẩu, được chia thành 10 khối phố, với 14 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mường, Sán Chỉ, Cao Lan[1]… cùng sinh sống. Đại đa số dân cư của phường là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, phong tục, tập quán hết sức đa dạng.

Phường có 2 tôn giáo chính là Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Số người theo Đạo Phật nhiều hơn số người theo Đạo Thiên Chúa. Trên địa bàn phường không có đình, đền chùa, nhà thờ[2]. Nhân dân các dân tộc chủ yếu thực hiện tín ngưỡng thờ tự tại gia đình vào ngày lễ, Tết, rằm theo âm lịch. Các cụm dân cư đều có miếu thờ thổ công, được nhân dân đóng góp tôn tạo. Hàng năm, vào các ngày 02/2, 02/8 âm lịch, các khu dân cư đều tổ chức ngày hội miếu thổ công để thực hiện các nghi lễ truyền thống, qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết trong nhân dân, giữ vững bản sắc văn hoá của quê hương xứ Lạng.

Trước đây, kinh tế của phường chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng hoa màu. Vì thế, kinh tế mang nặng yếu tố tự nhiên, tự cung, tự cấp; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

 Hiện nay, hòa chung trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, kinh tế của phường ngày càng phát triển, cơ cấu kinh tế của phường chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp sang kinh doanh, thương mại - dịch vụ - du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông - lâm nghiệp; trong đó, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển mạnh nhất trên địa bàn.

Các hộ gia đình chủ yếu tập trung làm kinh tế tư nhân, kinh doanh, dịch vụ. Năm 2018, phường có 351 hộ làm kinh tế tư nhân, kinh doanh, dịch vụ; 42 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, còn một số hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu tập trung vào sơ chế nông, lâm sản thực phẩm; may mặc, gia công cửa hoa, cửa sắt, vật liệu xây dựng.

Đội ngũ cán bộ công chức của phường phát triển theo hướng “tinh, gọn”. Năm 2018, phường có 21 cán bộ công chức, trong đó 01 đồng chí có trình độ Thạc sỹ, 15 đồng chí có trình độ đại học, 03 đồng chí có trình độ cao đẳng, 01 đồng chí có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: trung cấp có 11 đồng chí, sơ cấp 09 đồng chí.

Đảng bộ phường không ngừng được củng cố, nâng cao năng lực và sức chiến đấu. Năm 2018, phường có 16 Chi bộ trực thuộc: 01 Chi bộ cơ quan, 01 Chi bộ Công an; 01 Chi bộ quân sự; 03 Chi bộ trường học và 10 Chi bộ khối phố với 750 đảng viên. Trong 10 Chi bộ khối phố, đảng viên sinh hoạt cơ bản là cán bộ, công nhân viên chức nghỉ hưu.

Dân số của phường phát triển khá mạnh. Đặc biệt, từ ngày 17-10-2002, khi thị xã Lạng Sơn trở thành thành phố loại 3, trực thuộc tỉnh, cư dân các xã lân cận và một số cư dân các tỉnh đổ về làm ăn, buôn bán trên địa bàn phường ngày càng đông. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 41% dân số; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ, với độ tuổi khá trẻ, trình độ học vấn đồng đều, đa số tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, một số có trình độ đại học, thạc sĩ.

Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng của phường ngày càng được đầu tư xây dựng hiện đại: cầu Đông Kinh nối liền hai bên bờ sông phường Chi Lăng và phường Đông Kinh, cầu 17/10 nối liền hai bên bờ sông phường Đông Kinh và xã Mai Pha. Trụ sở làm việc của phường khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/ 2018. Các tuyến đường trong khu dân cư đều được bê tông hóa, có điện chiếu sáng. Các tuyến Quốc lộ, các trục đường chính trong nội thị được lắp đặt hệ thống đèn báo, đèn tín hiệu giao thông.

Hệ thống trường học trên địa bàn phường ngày càng phát triển. Khi mới thành lập, phường chỉ có hai trường mầm non tư thục, không có trường mầm non công lập. Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phường đã có 05 trường học: 01 trường Trung học cơ sở, 01 trường Tiểu học, 01 trường Mầm non công lập và 02 trường mầm non tư thục. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Trường Trung học phổ thông Việt Bắc. 

Đóng trên địa bàn phường có trụ sở các cơ quan: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh…  và một số doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

 

[1] Trong số các dân tộc sinh sống trên địa bàn phường Đông Kinh, có 05 dân tộc chính là: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa.

[2] Báo cáo số 202-BC/ĐU, ngày 15-4-2014 của Đảng ủy phường Đông Kinh Tổng kết 10 năm thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

About